Trang thông tin điện tử
giới thiệu khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp
giai đoạn 1858-1954

Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

Tài liệu thời kỳ thuộc Pháp (1858 - 1954) do Trung tâm Lưu trữ quốc gia II bảo quản gồm 29 phông, sưu tập tài liệu phản ánh đầy đủ mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội Nam Kỳ, cùng nhiều tài liệu liên quan đến tiến trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa của thực dân Pháp ở Nam Kỳ, Việt Nam và các vùng đất ở Viễn Đông.
Hàng chục vạn hồ sơ thuộc phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ phản ánh tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội vùng Nam Bộ từ năm 1859-1945. Trong đó chủ yếu là tài liệu hành chính, gồm các loại:
- Văn bản pháp quy, Công văn trao đổi của Thống đốc Nam Kỳ và các phòng.
- Các tài liệu về Tổ chức chính quyền Trung ương: Hội đồng Liên bang Đông Dương, Hội đồng Tư mật Nam Kỳ, Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ.
- Báo cáo chính trị của các tỉnh, Nha ở Nam Kỳ và thành phố Sài Gòn.
- Tài liệu về hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy.
- Tài liệu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quan hệ bang giao giữa Pháp với các xứ thuộc địa và giữa các xứ thuộc địa với nhau.
- 200 cuốn Công báo Nam kỳ.
Ngoài ra, còn có các phông tài liệu của các cơ quan chuyên môn, văn phòng các tỉnh và một số công ty có trụ sở tại Nam Kỳ.
Tra cứu mục lục các phông tài liệu đã chỉnh lý và phục vụ độc giả tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II:

Tóm tắt:
Ngày 21/4/1869, Hoàng đế Pháp Napoléon ký Sắc lệnh thành lập Hội đồng Tư mật Nam Kỳ. Đây là một tổ chức cai trị cao cấp, có tính chất tư vấn của Pháp ở Nam Kỳ. Các chức năng của Hội đồng Tư mật Nam Kỳ gồm có:
- Góp ý kiến về việc lập ngân sách và quyết toán.
- Góp ý kiến về vấn đề thuế khóa.
- Quy định các khu vực hành chính.
- Xem xét các vụ chuyển nhượng tạm thời hoặc vĩnh viễn đối với công sản hoặc tư sản.
- Góp ý kiến đối với việc mở các khế ước hoặc đấu thầu cung cấp vật dụng trị giá từ 1.500 francs trở lên.
- Trưng dụng và thu mua bất động sản.
- Số lượng tài liệu: 60,5 mét
- Thời gian tài liệu: 1864 - 1932 Tra cứu

Tóm tắt:
Tháng 02 năm 1859, được sự hỗ trợ đắc lực của quân Tây Ban Nha, thực dân Pháp đã đem quân tấn công Sài gòn và chiếm toàn bộ vùng này vào ngày 24 tháng 02 năm 1861. Năm 1861, Pháp đặt Thống đốc đầu tiên tại Gia Định thành.
Chức năng, quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ được ban hành và sửa đổi theo các sắc lệnh ngày 29 tháng 10 năm 1887 và ngày 20 tháng 11 năm 1911.
Thống đốc Nam Kỳ thực thi các luật, sắc lệnh ban hành ở Đông Dương cũng như các nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Thống đốc Nam Kỳ có Hội đồng Tư mật Nam Kỳ phụ tá.
Tài liệu của phông chưa được chỉnh lý hoàn chỉnh tuy nhiên đã được thay bìa, đánh ký hiệu thông tin tra tìm theo khung phân loại Paul Boudet.
- Số lượng tài liệu: 2.435,5 mét giá
- Thời gian tài liệu: 1859-1945
Tra cứu

Tóm tắt:
Theo nghị định ngày 15/12/1897 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, trong lĩnh vực thương chánh, toàn bộ Đông Dương được chia làm 4 khu vực: Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên. Đứng đầu Sở Thương chánh Nam Kỳ là một Thanh tra Thương chánh do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Nha Thương chánh Đông Dương.
Sở Thương chánh Nam Kỳ gồm có:
+ Văn phòng và Phòng Nhân viên.
+ Phòng Thuế quan.
+ Phòng Quan quản, kế toán, vật liệu và tố tụng.
+ Phòng Kiểm soát thuế.
+ Đội thuyền.
Ngoài ra, Sở Thương chánh Nam Kỳ còn có các trạm phụ thu đặt tại các tỉnh Nam Kỳ.
Nhà máy thuốc phiện Sài Gòn cũng được đặt trực thuộc Sở Thương chánh Nam Kỳ.
- Số lượng tài liệu: 145 mét
- Thời gian tài liệu: 1892 - 1928 Tra cứu

Tóm tắt:
Trong thời kỳ Pháp thuộc, có rất nhiều loại công báo đã được xuất bản và hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm II như: Nam Kỳ Tập san (Bulletin Officiel de la Cochinchine), Đông Pháp Tập san (Journal Officiel de l’Indochine), Nam Kỳ Hành chính Tập san (Bulletin Administratif de la Cochinchine)...
- Thời gian: 1862-1954 Tra cứu

Tóm tắt:
Ngày 8/1/1877, Tổng thống Pháp Patrice de Mac-Mahon đã ra Sắc lệnh chính thức thành lập thành phố Sài Gòn. Theo Sắc lệnh này, thành phố Sài Gòn có một viên Đốc lý (Maire), 2 viên phó Đốc lý (Maire adjoint) và 12 ủy viên Hội đồng. Ủy viên Hội đồng thành phố đều do bầu cử. Nhiệm kỳ của các ủy viên là 3 năm.
Ngày 11/7/1908, Tổng thống Pháp đã ký Sắc lệnh cải tổ các thành phố Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng. Về tổ chức: mỗi thành phố trên đều có một Hội đồng thành phố, một Đốc lý và 2 Phó Đốc lý. Hội đồng thành phố gồm 12 thành viên là người Pháp hoặc mang quốc tịch Pháp, 4 thành viên là người bản xứ. Tất cả các thành viên đều được lựa chọn thông qua bầu cử, nhiệm kỳ của các thành viên trong Hội đồng là 4 năm. Đốc lý và các Phó Đốc lý được chọn từ trong số các thành viên của Hội đồng.
Ngày 19/12/1941, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh về việc bãi bỏ chức Đốc lý thành phố Sài Gòn và chức Đốc lý thành phố Chợ Lớn; mọi quyền hành của hai viên chức này được chuyển sang tập trung vào tay Trưởng Khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tài liệu của phông liên quan đến các nội dung: công tác bầu cử; quản lý hộ tịch, lưu trú; quản lý thuế; kế toán và bảo hiểm.
- Số lượng tài liệu: 43.7 mét
- Thời gian tài liệu: 1880-1940 Tra cứu

Tóm tắt:
Ngày 5/1/1876, Đô đốc Duperré, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ra nghị định phân chia toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn (circonscription administrative) là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac. Các khu vực hành chính này lại được chia nhỏ thành 19 tiểu khu hành chính (arrondissement). Tiểu khu Bến Tre nằm trong khu vực Vĩnh Long.
Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định đổi gọi tiểu khu (arrondissement) - đơn vị hành chính ở Nam Kỳ - thành tỉnh (province) kể từ ngày 1/1/1900 và phân chia thành 3 miền: miền Đông, miền Trung, miền Tây và gồm 20 tỉnh. Tỉnh Bến Tre thuộc khu vực miền Trung.
Đứng đầu tỉnh Bến Tre là một viên Tham biện người Pháp. Quan Tham biện làm Chủ tỉnh về nguyên tắc phải là viên chức hành chính do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm theo đề nghị của Thống đốc Nam Kỳ.
- Số lượng tài liệu: 37 mét
- Thời gian tài liệu: 1867 - 1930 Tra cứu

Tóm tắt:
Ngày 5/1/1876, Đô đốc Duperré, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ra Nghị định phân chia toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn (circonscription administrative) là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac. Theo đó, Khu vực hành chính Bassac gồm 6 tiểu khu: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng. Như vậy tiểu khu Cần Thơ được chính thức thành lập từ đây. Và kể từ ngày 1/1/1900, các tiểu khu tại Nam Kỳ được đổi gọi là tỉnh.
Cũng giống như tất cả các tỉnh khác tại Nam Kỳ, việc điều hành công việc hành chính tại tỉnh Cần Thơ do một viên Chánh Tham biện - Chủ tỉnh người Pháp đảm nhiệm. Chủ tỉnh có các cơ quan phụ tá là Sở Tham biện và Hội đồng Tiểu khu (sau đổi gọi là Hội đồng hàng tỉnh).
- Số lượng tài liệu: 7 mét
- Thời gian tài liệu: 1888 - 1915 Tra cứu